Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Viên ngọc quý

PHÚC ÂM: Mt 13, 44-46 hoặc 44-52

"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.
"Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa rằng: "Có".
Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình". Đó là lời Chúa


Suy niệm
Tin Mừng CN hôm nay nói đến 3 dụ ngôn “Kho báu”, Ngọc quí”, “lưới cá”. Điều đó nói lên giá trị vô song của Nước Trời. Nếu ai nhận ra thì như “cá tốt cho vào giỏ”, ai không nhận ra thì như “cá xấu vứt ra ngoài”.

Nước Trời hay đạo rất quí giá chẳng có gì so sánh nổi, khiến người ta như bác nông dân tình cờ gặp được kho báu trong ruộng, vui mừng đi bán tất cả những gì mình có để mua lấy thủa ruộng có kho báu đó. Hay giống như người thương gia tìm được viên ngọc quí, cũng bán tất cả mà mua.
Trong hai dụ ngôn “kho báu” và “ngọc quí”, chúng ta thấy hai thái độ sống của con người.
Một là bác nông dân tình cờ khám phá ra kho báu. Chỉ một phút tình cờ mà làm nên chuyện. Cuộc đời đi theo Chúa cũng thế. Chúa nói với chúng ta trong một biến cố nhỏ nhoi, tầm thường. Nếu chúng ta biết đón nhận thì gặp được Chúa.Người thương gia thì không tình cờ. Ông đã chăm chú đi tìm, mãi mới thấy viên ngọc quí. Cuộc đời của chúng ta cũng vậy, biết bao năm tháng đi tìm Chúa mà chẳng gặp, gặp toàn những cái chi chi đâu. Gặp được Chúa thì đã cuối đời rồi, như cuộc đời của thày giảng Anrê Phú Yên.
Nước Trời nghĩa là Chúa Giêsu và Lời của Ngài đã đến trong trần gian từ lâu lắm rồi. Con người phải biết trân trọng, chóng vánh đón nhận với lòng hân hoan, vui vẻ đến nỗi nếu cần phải hy sinh tất cả để được Nước Trời. Con người và chúng ta đã có thái độ dứt khoát để luôn chân thành lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa chưa? Chúng ta đã để chỗ ưu tiên cho Chúa và Giáo Hội hay chưa hay chúng ta vẫn thờ ơ với Lời Chúa và Nước Thiên Chúa?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm Nước Trời là lắng nghe và khao khát đón nhận Lời Chúa. Amen

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Các người không biết các người xin gì

Thánh Gia-cô-bê, tông đồ Mt 20,20-28 
     
       Ba mẹ con nhà Dê-bê-đê đã gõ đúng cửa khi đến cầu xin Đức Giê-su. Nhưng nếu cầu cạnh Ngài chỉ để xin chiếc ghế “tả hữu tướng quốc” thì chẳng khác nào vào một kho tàng chứa đầy ngọc ngà châu báu mà chỉ lấy ra vài viên đá cuội. Dù Chúa trách hai ông Gia-cô-bê và Gio-an: “Các người không biết các người xin gì”, Ngài vẫn giúp họ từ bỏ động lực trần tục đó để nhắm tới mục đích đích thực của việc theo Chúa là “cùng uống chén mà Thầy sắp uống” tức là cùng tham dự vào cuộc khổ nạn với Ngài. Nói rộng ra, “trước hết phải biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa” và tin tưởng rằng“những sự khác, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
           Hẳn có lúc, bạn tự hỏi: tôi tin Chúa, chấp nhận hy sinh từ bỏ nhiều thứ để đi theo Chúa, nhưng tại sao đời tôi vẫn túng nghèo, vất vả, bị chèn ép, gặp những chuyện không may…? Thế thì bạn có tự hỏi mình đang tìm gì nơi Chúa không? Phải chăng bạn cũng đang “không biết mình đang xin gì”? Bạn nhớ Chúa dạy đi theo Ngài không phải để được địa vị chức quyền, giàu sang an nhàn, nhưng là để bước theo Chúa trên con đường thập giá, để hiến thân mình phục vụ tha nhân trong khiêm tốn và vui tươi.
         Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nên chúng ta hãy bắt đầu các công việc bằng việc cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài cầu thay nguyện giúp chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa (Rm 8,26-27).

Mảnh đất tốt

  Có những hạt lại rơi trên mảnh đất tốt nên sinh hoa kết quả: Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục (Mt 13,9)

Hạt giống “sinh hoa kết quả”, có thể nói, là niềm mong ước của tất cả mọi người đi gieo. Song, để đạt được điều đó, thì có hạt giống tốt mà thôi vẫn chưa đủ, nhưng còn cần đến một mảnh đất tốt. Thực tế đó cũng được áp dụng đúng trong trường hợp của chính Lời Chúa là “hạt giống tốt” được Chúa Giêsu gieo vãi vào trong những mảnh đất là tâm hồn của con người. Chỉ có những mảnh đất tâm hồn tươi tốt, phì nhiêu mới làm cho hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái dồi dào. Song, một mảnh đất tâm hồn tươi tốt là thế nào nếu không phải là một tâm hồn luôn biết mở rộng để lắng nghe, để suy niệm và đem ra thực hành.

        Cuộc sống giữa trần thế, với biết bao bận tâm chi phối, dễ làm cho chúng ta lãng quên, coi nhẹ việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa. Điều đó khiến mảnh đất tâm hồn của chúng ta dần dà trở nên khô cằn, sỏi đá và gai góc. Vì thế, hơn bao giờ hết, bạn và tôi được mời gọi chăm lo mảnh đất tâm hồn mình cho tươi tốt bằng việc gắn bó với Lời Chúa mỗi ngày. Có như thế, hạt giống Lời Chúa mới bám rễ sâu và sinh hoa kết trái dồi dào.

TỘI LỖI NHIỀU, ÂN SỦNG CHAN CHỨA


TIN MỪNG : Ga 20, 1-2.11-18

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ,12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.13 Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! "14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.15 Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về."16 Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy").17 Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em"."18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.




Suy niệm:


Thánh nữ Maria Mađalêna được coi như là một người đàn bà tội lỗi, nhưng đã được Chúa Giêsu cải hóa trừ bảy quỷ và cuối cùng cô đã ăn năn trở lại. Cô đã ham muốn bằng con mắt trần tục, nhưng nay cô ăn năn bằng nước mắt. Cô đã xõa tóc che mặt, nhưng nay cô dùng tóc lau khô nước mắt. Miệng cô đã nói những điều kiêu ngạo, nhưng nay cô dùng miệng hôn chân Chúa, cô đặt miệng mình lên chân Đấng Cứu Thế. Do đó, đối với mỗi niềm vui, cô đã có trong lòng, nay cô hy sinh chính mình. Cô biến tội lỗi thành nhân đức để phục vụ Thiên Chúa hoàn toàn trong sự ăn năn” đi theo Chúa đến cùng để rao giảng Lời Chúa. Để tưởng thưởng cho công khó của thánh nữ sau này khi Chúa Giêsu sống lại thì người đầu tiên mà Chúa hiện ra đó chính là thánh nữ Maria Mađalêna và cũng là người đầu tiên đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ.

Trong mỗi con người chúng ta có lẽ cũng giống Thánh nữ Maria Mađalêna, chúng ta cũng là những người tội lỗi và cũng đã được Chúa cảm hóa. Ngay bây giờ Chúa mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy dùng suốt cuộc đời còn lại của chính mình để đáp đền ơn Chúa và tình yêu Chúa đã dành cho chúng ta.

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Sám hối và tin vào Tin Mừng

PHÚC ÂM: Mt 12, 38-42

"Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này".



      Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ". Người trả lời: "Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Giona. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Salomon". Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
         Lời Chúa hôm nay Chúa muốn đưa chúng ta đến câu chuyện của ông Giona. Dân thành Ninivê nghe theo lời giảng của ông Giona mà ăn năn trở lại. Dấu lạ ông Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày là một dấu lạ để mọi người bỏ đàng tội lỗi như Chúa Giêsu đã phục sinh sau ba ngày đã vì yêu cho đến chết. Chúa Giêsu đã cho mọi người được hưởng ơn cứu độ không trừ một ai, không chỉ người Israel dân riêng của Ngài. Chúa dạy cho con người đi theo đường trọn lành, trừ quỷ, làm nhiều phép lạ thế nhưng loài người vẫn không tin Ngài, không nghe Lời Ngài.
      Không ít người ngày nay giống như người Do Thái xưa đòi dấu lạ theo ý muốn vụ lợi của họ. Nhưng sứ điệp của Đức Ki-tô “Sám hối và tin vào Phúc Âm” vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế người Ki-tô hữu trong sứ mệnh Phúc Âm hoá chẳng những phải đem Tin Mừng đến cho mọi người, “cho kẻ ở xa cũng như ở gần, cho người lành cũng như kẻ dữ” mà còn dùng đời sống mình làm chứng tá đức tin để nhiều người được cảm hoá, hoán cải và được cứu độ.
      Để thực thi sứ mạng Phúc Âm hoá, chúng ta cần phải được Phúc Âm hoá trước đã và trung thành việc học hỏi Lời Chúa và suy niệm Phúc Âm mỗi ngày.

Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt


PHÚC ÂM: Mt 13, 24-30 hoặc 24-43

"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: 'Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?' Ông đáp: 'Người thù của ta đã làm như thế'. Đầy tớ nói với chủ: 'Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ'. Chủ nhà đáp: 'Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".

Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian". Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe". Đó là lời Chúa.

Suy niệm:

Qua bài Dụ ngôn của Chúa Giêsu. Giáo hội mời gọi chúng ta Hãy học tâm tình của Chúa Giêsu: Giàu lòng thương xót, Người nhân từ, chậm bất bình luôn tha thứ và hết sức khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi chúng ta thay lòng đổi dạ quay trở về cùng Thiên Chúa. “Cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”. Nếu như chúng ta là những tội nhân thì hãy mau mau quay đầu trở lại với Thiên Chúa, còn nếu chúng ta là những người tốt, những người lành thánh thì chúng ta lưu ý rằng đừng bao giờ xét đoán anh em, đừng bao giờ kết án anh em, đừng bao giờ chụp mũ anh em. Hãy nhớ rằng. Họ ngày hôm nay có thể rất xấu, nhiều tội lỗi, nhưng hãy coi chừng có ngày họ sẽ hoán cải để trở thành người thánh thiện rất tốt đẹp, rất đẹp lòng Thiên Chúa và như vậy chúng ta không thể kết án họ. Việc kết án họ là quyền của Thiên Chúa, còn chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho họ và cho cả chúng ta nữa.

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Quảng đại và nhân từ

Lời Chúa: Mt 12,14-21

14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.

15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 16 Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. 17 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói :

18 'Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu : Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. 19 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. 20 Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, 21 và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

Suy niệm
      Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Thầy dạy chúng ta sống nhân từ, quảng đại với tha nhân, đặc biệt quan tâm đến những anh chị em bé nhỏ nghèo hèn. Theo gương Đức Giê-su, sống như Ngài trong từng giây phút của đời mình.

    Trong ngày truyền thông thế giới xã hội lần thứ 48, Đức tổng giám mục của giáo phận Saigon kêu gọi chú ý đến người nghèo vì họ chịu nhiều thiệt thòi và không có tiếng nói. Họ là ai, và làm thế nào để ơn cứu độ đến với họ?

      Mỗi ngày quyết tâm làm một hành động cụ thể để trở nên giống Chúa Giê-su nhân hậu và mỗi tối kiểm điểm lại đời sống xem mình đã thực hiện quyết tâm ấy thế nào.

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Lòng nhân từ

“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội” 

Lời Chúa: Mt 12,1-8

1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !" 3 Người đáp : "Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. - 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát."   

      
         Theo truyền thống Do Thái, việc bứt lúa coi như việc gặt hái là một trong 39 việc cấm làm trong ngày Sa-bát. Vì thế các người biệt phái đã nại vào luật này để chỉ trích các môn đệ đã bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát. Hành động bứt lúa của các môn đệ không chỉ để mua vui mà vì một nhu cầu lớn hơn liên quan đến sự sống: “Đói”! Thế nhưng những người biệt phái thông luật lại không nắm được cái cốt tuỷ của lề luật đó là sự yêu thương và lòng nhân hậu. Chúa Giêsu là Đấng Mê-si-a đến để chấn chỉnh lại lề luật, Ngài muốn con người được yêu thương và được sống. Đa-vít khi đói còn được ăn “bánh tiến” nữa là… Thế nên, sự sống con người quý trọng hơn thái độ nệ luật biết bao. Nếu chúng ta giữ luật mà không chú trọng đến trọng tâm của luật thì luật chỉ còn là gánh nặng và là xích xiềng ràng buộc chúng ta.
          Hãy ý thức: luật Hội Thánh cho nghỉ việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng là để người tín hữu có nhiều thời gian đến gần với Thiên Chúa hơn.

          Hãy làm tròn bổn phận của người Ki-tô hữu: gia tăng việc đạo đức, bố thí, thăm người nghèo, bệnh nhân, v.v…

         Lạy Chúa là chủ tể thời gian và mọi công việc. Xin cho mọi công việc chúng con làm từ tư tưởng đến hành động đều do Chúa điều khiển và dẫn dắt để không đi ngoài Thánh ý của Chúa và luôn phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Amen.

Hiền lành và khiêm nhường

      Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường “ Mt 11, 29

Lời Chúa: Mt 11,28-30

28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."


Suy niệm: 
        Chúa Giê-“su thật gần gũi và thân tình. Ngài quan tâm đến từng người và từng nhu cầu nhỏ bé của chúng ta. Và sự quan tâm của Ngài được thể hiện thật giản dị, cụ thể và hữu hiệu. Những lời nói ân cần của Ngài “hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” mạc khải cho chúng ta tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu của cha luôn thấu hiểu, biết con cái mình cần gì, và ban cho chúng điều tốt đẹp nhất, là tình yêu của mẹ, âu yếm vỗ về bằng một trái tim đong đầy yêu thương. Chúa đã tỏ lòng yêu thương thân tình như thế, chúng ta còn lý do gì để từ chối đón nhận tình yêu của Ngài nữa không?

        Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến với Ngài cùng với những gánh nặng của cuộc đời, để Ngài đỡ nâng và xoa dịu. Gánh nặng đó là những lắng lo và lầm lỗi của mỗi người; những đổ vỡ, bất hoà trong gia đình hay trong các mối tương quan; những khó khăn, bất lợi và thất bại trong công việc... Chúng ta hãy đến với Giê-su cùng những gánh nặng ấy, để trong Ngài chúng ta được nghỉ ngơi, được đổ đầy yêu thương, đổ đầy sức mạnh của niềm tin để lấy lại sức mạnh và hy vọng cho cuộc đời. “đến với Chúa Giê-su” để dâng đời sống ta cho Ngài và để cho Ngài đong đầy yêu thương của Ngài bằng Lời Chúa.

         Lạy Chúa, Chúa không chỉ là Cha của chúng con mà Chúa còn là chính gia nghiệp và là phần phúc của chúng con. Xin cho con biết đến với Ngài với niềm xác tín vào tình thương tròn đầy của Chúa.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Bé mọn trước mặt Thiên Chúa

"Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” Mt 11, 25



Lời Chúa: Mt 11,25-27

25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

Suy niệm:
Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Nếu chúng con không trở nên trẻ nhỏ, chúng con không được vào Nước Trời” (Mt 18,3).
Trong khi con người thời nay hãnh diện về khả năng tri thức của mình trong việc khám phá chinh phục thiên nhiên, Chúa Giê-su lại ngợi khen Chúa Cha vì đã mạc khải những mầu nhiệm cao siêu cho những người bé mọn.
Nếu như không phải tốn chút công sức nào cũng biết được những điều mà những bậc hiền triết, khôn ngoan không thể đạt tới, thì cần gì những nỗ lực của con người nữa, và tất cả những sự thông thái khôn ngoan của con người còn có ích gì nữa đâu? Phải chăng lời Đức Giê-su nói đó là một ẩn số nan giải cho người thời đại chúng ta ?
Nhìn vào cuộc sống của Đức Giê-su đối với Chúa Cha để khám phá y nghĩa sâu xa của Lời Ngài: người thông thái khôn ngoan thật luôn cảm thấy mình nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa; và khi đặt mình làm người bé mọn trước Thánh Nhan, người ta mới có thể cảm nhận được những mầu nhiệm sâu thẳm của Ngài.
Thế nào là người bé mọn trước mặt Thiên Chúa? Và làm thế nào để trở thành một con người như thế?
Xin Chúa ban cho chúng con ơn biết sống khiêm nhường và thực hiện những việc phục vụ nhỏ bé âm thầm để tập đức khiêm nhường.Chúng con cảm tạ Chúa đã nhìn đến phận người yếu đuối nhỏ bé của chúng con. Chúa luôn chúc phúc cho những tâm hồn đơn sơ. Chúa luôn nâng đỡ những ai hèn yếu. Xin cho chúng con luôn khiêm tốn phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Xin Chúa nên thành luỹ che chở cuộc đời chúng con. Amen.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

KHÓA TỔNG QUAN MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG GÍAO PHẬN XUÂN LỘC: Ngày I




Ngày thứ I của Khóa Tổng Quan Mục vụ Truyền Thông Gp. Xuân Lộc đã bắt đầu vào chiều ngày 07.07.2014 tại Hội trường Tòa giám Mục Xuân Lộc.

Về tham dự khóa học có 68 học viên đến từ 12 giáo hạt và một số dòng tu trong giáo phận. Ban Tổ chức gồm Lm. Trưởng Ban MVTT Đaminh Ngô Công Sứ, Lm. Gioan B Trần Ngọc Bảo, Lm. Đaminh Phạm Văn Tám và Lm. Micae Nguyễn Xuân Linh Ny. Ban Giảng Huấn gồm Lm. Thư ký UBMVTT/HĐGMVN Giuse Vũ Hữu Hiền, Sr. Têrêsa Võ Trần Sơn Nữ Duyên Sa, 2 Kỹ thuật viên Giuse Tam Thanh Tuấn và Phêrô Nguyễn Lê Bảo Nam.

Vào lúc 15g00, sau khi ổn định phòng ở, nhận bảng tên và các chuẩn bị cần thiết, các học viên đã hiện diện tại Hội trường để chào đón Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo và Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú đến chủ sự nghi thức khai mạc khóa học. Trong huấn từ khai mạc, Đức Cha phụ tá Giuse, thay mặt Đức Giám Mục hính Tòa Đaminh Nguyễn Chu Trinh, bày tỏ niềm vui mừng khi có khóa học này vì “các Đấng chủ chăn rất thao thức về việc Truyền Thông”. Đức Cha cũng cám ơn cha đặc trách Truyền Thông giáo phận cùng với Ban giảng huấn đã sẵn sàng giúp đỡ anh chị em đang tham gia vào công tác truyền thông trong Giáo phận. Đức cha khuyến khích các tham dự viên tích cực học hỏi để gặt hái được những thành quả tốt đẹp vì “Truyền thông có một sức mạnh rất lớn trong việc chuyển tải những thông tin, giúp cho con người đến gần nhau và là công cụ hữu hiệu để loan báo Tin Mừng”. Đức Cha cũng mong ước những lần tổ chức sau sẽ có nhiều người tham dự hơn để công việc truyền thông Lời Chúa được lan rộng.
Sau huấn từ, Đức Cha Giuse đã nhấn phím Enter trên máy tính để khai trương trang web xuanloc.titocovn.net và khai mạc khóa học.

Sau nghi thức khai mạc, Ban Giảng Huấn bắt đầu giúp các tham dự viên tạo tài khoản gmail, blogspot... và cài đặt những phần mềm cần thiết.

Sau bữa cơm chiều, các học viên trở lại phòng hội lúc 19g30 để làm nhật tác. Giờ kinh tối chung vào lúc 20g30 đã khép lại ngày học đầu tiên của khóa học.

Được biết, khóa Tổng Quan MVTT đầu tiên của Giáo phận Xuân Lộc sẽ kéo dài đến hết ngày 10.07.2014 nội dung gồm 5 phần: Mục Vụ Truyền Thông, Mục Vụ PR, Mục Vụ Mạng Xã Hội, Mục Vụ Đưa Tin và Mục Vụ Hội Nhập.